Học việnKỹ năng cho dân media
Xu hướng

3 hiểu lầm phổ biến khi tự học media tại Việt Nam

Chúng ta thường thấy một số người rất giỏi trong việc học tập. Nếu quan sát, bạn sẽ thấy vài người xung quanh có những kỹ năng tiến bộ rõ rệt như: viết lách, nấu ăn, nhiếp ảnh, chơi một loại nhạc cụ hay một môn thể thao. Trong khi, một nhóm người khác cũng chăm chỉ học tập nhưng kết quả không như mong muốn. Đó là sự khác biệt trong cách học và phương thức tiếp cận môn học dẫn đến sự chênh lệch giữa kỳ vọng và kết quả. Dù rằng thời gian đầu tư cho việc học của mọi người như nhau.

Điều gì đã tạo ra sự khác biệt này?

Cụ thể ở ngữ cảnh này, tôi và các bạn sẽ bàn về câu chuyện tự học multimedia tại Việt Nam. Tôi may mắn nhận ra những điều này khi tiếp xúc thông qua quá trình nghiên cứu, làm việc và chia sẻ với rất nhiều bạn làm ngành.

Ảnh Nguyễn Anh Tuấn: Trần Thành Tiến tại lớp học Nikon School

Chúng ta sẽ cùng lắng nghe và phân tích những câu chuyện thành công, thất bại từ những người đi trước. Qua đó, chọn cho mình cách học thông minh, hiệu quả và phù hợp.

Kiến thức rời rạc

Thông thường, mọi người sẽ gõ “Cách chụp ảnh đẹp” trên Youtube khi mới mua máy ảnh và sắp tới họ nhu cầu chụp ảnh cho một chuyến đi. Youtube sẽ liệt kê rất nhiều video hướng dẫn cách để chụp ảnh đẹp. Đó là “cách học” của đa số người mới nhập môn nhiếp ảnh. Trong quá trình xem video để học, chúng ta sẽ gặp những thuật ngữ mới chuyên ngành như: khẩu độ, iso… một số từ hơi khó hiểu do mới tiếp xúc lần đầu. Không quá lo lắng, xem xong video chúng ta lại vào Google tìm kiếm: khẩu độ là gì?

Tôi, bạn và những người đang xem bài viết này hầu như ai cũng ít nhất một lần xem một video hướng dẫn trên Youtube. Ngay cả những đứa bé U10, chúng cũng biết cách học kỹ năng chơi game thông qua video hướng trên Youtube.

Điều này không sai, nhưng rất tai hại nếu bạn đang kỳ vọng mình có thể chụp ra những bức ảnh đẹp như cam kết của thầy Youtube.

Vì sao?

Nhiếp ảnh hay media, những bộ môn liên quan đến khoa học xã hội như nhạc sĩ, họa sĩ… không giống với khoa học tự nhiên như toán học. Ở môn nhiếp ảnh, muốn chụp được như thầy Youtube bạn không thể áp dụng những hướng dẫn một cách máy móc. Nơi bạn sắp đến, điều sắp diễn ra khi bạn chụp hoàn toàn khác với lý thuyết của thầy Youtube dạy. Nghĩa là, bạn muốn áp dụng những công thức đó, bạn phải hiểu tường tận về nó trước khi bạn bấm máy.

Đừng quá lo lắng!

Nếu bạn đến với nhiếp ảnh như một cuộc dạo chơi, cưỡi ngựa xem hoa thì cách học với thầy Youtube hoàn toàn hợp lý. Bạn hãy tận hưởng những điều thú vị ở chuyến đi và đừng kỳ vọng quá nhiều về những bức ảnh đẹp trong hành trình.

Gợi ý: Khi bạn muốn học để đạt được kỳ vọng, hãy tham khảo những gợi ý sau đây từ kinh nghiệm của mình:

Ghi chép lại những kiến thức và sắp xếp, hệ thống chúng theo một trình tự cấp độ.

Việc tự xem video Youtube để học và tham gia một khóa học cụ thể khác nhau ở hệ thống kiến thức được thầy cô sắp xếp và truyền tải cho học viên. Những video trên Youtube bạn dễ thấy tiêu đề hấp dẫn: như 3 phút làm chủ máy ảnh, Bí quyết chụp đẹp không cần máy xịn… Trong khi bài giảng của những khóa học lại được sắp xếp theo nội dung buổi học, khoá học: Bài 1: nhập môn, Bài 2, Bài 3…

Môi trường tương tác

Tính cách của bạn là trung bình cộng của 5 người thường xuyên tiếp xúc. Việc học media cũng vậy, bạn cần một môi trường học và thực hành đủ tốt để giúp bạn phát triển. Tôi từng thấy nhiều bạn cặm cụi học một minh, tham gia diễn đàn, các nhóm trên mạng xã hội một cách chăm chỉ nhưng chỉ theo “một chiều”. Nghĩa là bạn cứ học và xem thông tin rất nhiều nhưng sản phẩm của mình làm ra thì bí mật hay ẩn danh. Điều này lâu ngày dẫn đến hiện tượng “vậy tốt rồi”, do tự học online và thiếu môi trường tương tác.

Một trường hợp khác là sản phẩm của các bạn được người khác tung hô hay chê một cách thậm tệ trên các mạng xã hội. Điều đó rất dễ thấy ở văn hóa Việt Nam, một là cả nể nên khen lấy lòng, hai là nhóm người giỏi chê như thể họ đã từng làm tốt hơn bạn. Thật ra, mình rất sợ nhóm người này vì họ rất giỏi gõ phím.

Những điều này khiến bạn không phân biệt được đâu là tốt và đâu là chưa tốt để hoàn thiện trong quá trình học.

Ảnh Nguyễn Anh Tuấn: Trần Thành Tiến tại lớp học Nikon School

Gợi ý: Nên có một nhóm bạn cùng học để hỗ trợ nhau phát triển. Nhóm bạn có nhiều trình độ càng tốt, đặc biệt là người giỏi hơn mình và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của họ với bạn.

Thiếu người nhặt sạn

Câu chuyện của nhà sản xuất Universal và đạo diễn Tom Hooperm, vị đao diễn đã từng đoạt giải Orcar trong phim The King’s Speech (2010) là câu chuyện điển hình về đề tài nhặt sạn.

Cats (2019) là bom tấn trong mong đợi của người yêu điện ảnh sau khi tung trailer đầu tiên. Công chiếu 16/12/2019, nhà sản xuất phải thông báo tạm ngưng để hậu kỳ lại phần hình ảnh và kỹ xảo. Phim chỉ được chấm 2.7/10 trên trang IMDB, đây là một câu chuyện buồn cho nhà sản xuất mà trước giờ trong lịch sử phim Hollywood hiếm khi gặp. Họ phải hậu kỳ, bổ sung những sợi lông, xóa bỏ nhẫn cưới cho nhân vật Old Deuteronomy (Judi Dench thủ vai). Lỗi nhặt sạn và một phần do đội ngũ phải chạy đua với thời gian để hoàn thiện phim kịp ngày ra mắt.

Ảnh: Internet (Cats 2019)

Đó là chuyện ở quốc gia làm phim với kinh phí tỷ đô. Còn ở Việt Nam thì sao?

MV Hãy trao cho anh của Sơn Tùng MTP ra mắt trên Youtube lúc 20 giờ, ngày 1/7/2019. Lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc Việt Nam có nhiều kỷ lục mới được thiết lập ở MV đình đám này:

  • Nam nghệ sĩ solo có MV sở hữu lượt xem khi công chiếu cao nhất trên YouTube.
  • Top 20 MV có lượt xem toàn cầu cao nhất trong vòng 24h.

Theo nhiều nguồn tin, với việc ghi hình hoàn toàn ở Mỹ cùng ê-kíp có tiếng của Hàn Quốc, chưa kể MV còn có sự xuất hiện của rapper đình đám thế giới Snoop Dogg cùng nữ ca sĩ Madison Beer và một dancer da màu, chàng trai gốc Thái Bình đã phải bỏ ra 3 triệu USD (xấp xỉ 66 tỷ đồng Việt Nam) cho video dài hơn 4 phút.

Một số thống kê ấn tượng khác:

  • MV đạt 1 triệu lượt xem trong vòng 8 phút.
  • MV đạt 6 triệu lượt xem trong vòng 75 phút.
  • MV đạt 10 triệu lượt xem trong thời gian 3 giờ 17 phút.
  • MV đạt 198.442.167 triệu lượt xem trong 11 tháng (tính đến 15/06/2020).

Và đây là “sạn” ở MV bom tấn Hãy trao cho anh.

Anh chàng áo vàng đứng sau cửa. (Ảnh cắt từ clip 2:32)

Nếu những bộ óc siêu phàm với kinh phí khổng lồ từ Hollywood hay MV đầu tư 66 tỷ đồng Việt Nam còn sai thì huống chi là tôi và bạn. Đúng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có quyền dựa vào đó giải thích về những tác phẩm hời hợt của mình.

Thường thì trước khi hoàn thiện một sản phẩm, tôi hay gửi bản nháp đến anh em trong “team nhặt sạn”. Vậy mà đôi khi vẫn mắc lỗi nhỏ mà sau khi công bố mới phát hiện.

Gợi ý: Hãy kết nối và tìm những người bạn giúp bạn tiến bộ hơn mỗi ngày.

Nếu không có người giúp bạn công đoạn nhặt sạn thì sản phẩm vẫn nằm ở tầm đó. Bạn không biết điều nào cần hoàn thiện hơn trong sản phẩm của mình. Với tôi, việc học và sáng tạo không thể thiếu người giúp mình nhặt sạn, giúp mình nhận ra điều sai sót để những sản phẩm sau tốt hơn những sản phẩm trước.

Trần Thành Tiến

Bạn cần hỗ trợ hay trao đổi với tác giả về nội dung bài viết vui lòng liên hệ: duduxanhcontact@gmail.com
Chủ đề liên quan
Xem thêm
Back to top button
Close