Khác

7 mẹo tâm lý giúp nâng trình thuyết phục của bạn lên một đẳng cấp mới

Có thể, bạn cần thuyết phục một người bạn đi du lịch với bạn, một người đồng nghiệp thuận theo quan điểm của bạn hoặc khiến sếp cho bạn thăng chức. Có thể, bạn đang cần chốt một hợp đồng mua bán, khuyên bảo ai đó tránh mắc phải một sai lầm dại dột, hoặc thuyết phục một người nào đó giúp đỡ bạn. Bất luận là trường hợp nào, bạn cần phải trở nên thuyết phục hơn.

Các ảo thuật gia và các nhà quảng cáo thường sử dụng nhiều kĩ thuật thuyết phục ngầm hay những mánh khóe ám thị vô cùng tinh vi. Vấn đề duy nhất ở đây đó là họ không mấy sẵn lòng tiết lộ chúng, thế nên, chúng ta phải viện đến những thủ thuật thông thường hơn nhưng vẫn hiệu quả không kém.

Việc chọn lọc cẩn thận từ ngữ bạn sử dụng sẽ đem lại một lợi thế to lớn. Tuy nhiên, có nhiều chiến thuật khác như sử dụng ngôn ngữ cơ thể, sẽ giúp bạn truyền tải thông điệp và trình bày vấn đề một cách hiệu quả hơn. Dưới đây là 7 mẹo cần phải thuộc lòng nếu bạn muốn trở nên thuyết phục hơn.

1. Sử dụng trí tuệ cảm xúc (EQ)

Không mấy ai nhận ra rằng trí tuệ cảm xúc là một năng lực bẩm sinh mà chúng ta rất có thể đang sở hữu, năng lực này giúp ta thấu hiểu và kiểm soát cảm xúc. Đây là một công cụ đắc lực trong việc thuyết phục người khác thực hiện một số hành động nhất định mà ta không phải nhọc công suy nghĩ. Martin Luther King Jr. và người viết bài diễn văn cho ông Clarence Jones hiểu rất rõ về điều này. Ông đã thể hiện một sự kết hợp thông minh giữa sự căm phẫn, lý lẽ, lòng tức giận và hy vọng. Hãy thử suy ngẫm về cảm xúc mà ông đã khơi gợi khi nói rằng một vùng đất “đang phừng phực dưới sức nóng của sự áp bức” có thể “chuyển hóa thành thành một ốc đảo của tự do và công lý.”

Trong những tình huống thông thường, bạn sẽ bộc lộ trí tuệ cảm xúc của mình bằng cách thể hiện nhận thức xã hội, hay nói cách khác, bạn sẽ nhận thức được cảm xúc và cảm giác của những người bạn đang tiếp xúc. Nó sẽ giúp bạn dễ dàng thấu hiểu người khác và thể hiện điều ấy ra. Nó giúp bạn xây dựng mối quan hệ vững mạnh hơn – đây vốn là một yếu tố trọng yếu trong quá trình thuyết phục người khác.

2. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách hiệu quả

Albert Mehrabian là một giáo sư tâm lý học nổi tiếng của đại học California, đã nghiên cứu rất nhiều về giao tiếp phi ngôn ngữ. Nghiên cứu của ông cho thấy khi ngôn ngữ ta sử dụng trở nên “bất lực” trong việc thuyết phục ai đó, ngôn ngữ cơ thể sẽ cứu vãn tình thế và sẽ là phương thức giao tiếp hiệu quả hơn. Đó là lý do tại sao việc chú ý đến cách chúng ta đứng, ngồi, nói chuyện, giao tiếp bằng mắt và cách chúng ta vẫy tay là rất quan trọng.

Hãy thử tưởng tượng bạn đang cố thuyết phục một ai đó biểu quyết một vấn đề trong một cuộc trưng cầu ý dân. Bạn có lẽ sẽ nói ra một khẩu hiệu nào đó với tư thế khoanh tay, không giao tiếp bằng mắt hoặc nói lầm bầm không rõ ràng. Mọi người ai ai cũng sẽ chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của bạn và họ sẽ chẳng có tí ấn tượng nào về bạn, họ sẽ không cảm thấy thuyết phục đâu.

3. Tận dụng giao tiếp mặt đối mặt

Có lẽ bạn rất muốn sử dụng thư điện tử hay gọi mọi cú điện thoại để đề xuất một yêu cầu khó khăn. Nhưng để trở nên thuyết phục hơn, không có phương tiện nào tốt bằng một cuộc nói chuyện trực tiếp. Lần tới, hãy tiếp cận và nói chuyện với người đó thay vì sử dụng điện thoại nhé. Đó còn là cơ hội để bạn “duỗi tay duỗi chân” một chút nữa! Trong lĩnh vực chính trị, có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng giao tiếp mặt đối mặt là phương thức hiệu quả nhất trong việc thuyết phục người khác bầu cử cho một một ứng viên hay một mục tiêu nào đó.

4. Nắm được sức mạnh của xúc giác

Có rất nhiều nghiên cứu về cách sức mạnh của xúc giác có thể tác động và thuyết phục người khác cho dù là trong những mối quan hệ cá nhân hay trong kinh doanh. Chúng ta biết rằng nhân viên phục vụ sẽ được bo nhiều hơn nếu họ học được nghệ thuật của sự đụng chạm kín đáo. Có những nghiên cứu khác phát hiện ra rằng, những khách mua sắm được nhân viên tiếp xúc sẽ dành nhiều thời gian hơn trong cửa hàng và mua nhiều đồ hơn! Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy sức mạnh của xúc giác có xu hướng cải thiện tâm trạng của người khác và có tác dụng chữa lành đáng kinh ngạc. Sự đụng chạm khiến con người cởi mở hơn với những yêu cầu và dễ dàng bị thuyết phục hơn. Sức mạnh này rất hữu hiệu, tuy nhiên, bạn cần phải biết rằng một số phong tục văn hóa và tôn giáo có thể coi hành động này là một hành vi xâm phạm. Và cũng khá là thú vị để suy ngẫm về việc tại sao các nhà trị liệu tâm lý luôn tránh sử dụng khả năng chữa lành của xúc giác.

5. Nắm được sức mạnh của việc lắng nghe tích cực

Những người có khả năng thuyết phục không phải là những người giỏi nói, họ là những người thật sự biết lắng nghe. Và điều này gần như luôn luôn đúng. Tại sao? Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó, trước hết bạn cần tìm ra bao nhiêu phần trăm họ sẽ chấp nhận ý tưởng hay yêu cầu của bạn. Sau đó, bạn phải xem xét liệu có bất kì trở ngại, sự phản đối hay nghi ngờ nào không. Điều quan trọng nhất đó là phải sẵn sàng khi cơ hội cho sự đồng thuận mở ra đối với bạn, đó cũng là lúc bạn cần phải hành động và tận dụng nó. Trên hết, bạn sẽ có một vị trí vững chắc hơn khi bạn hiểu được đối phương trong một cuộc tranh luận. Thế đấy, biết lắng nghe là một điều rất có lợi!

6. Giao tiếp với tốc độ hợp lý

Trong một nghiên cứu thú vị được thực hiện bởi đại học Michigan, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tốc độ nói trong lúc thuyết phục là một yếu tố quan trọng và cũng thường bị phớt lờ. Trong một buổi phỏng vấn qua điện thoại, tốc độ nói, cao độ và sự lưu loát của các nhà nghiên cứu đều được đo đạc trong lúc họ cố gắng thuyết phục người nghe tham gia khảo sát. Tốc độ nói tối ưu nhất là khoảng 3.5 từ một giây, một tốc độ tương đối nhanh. Đồng thời, họ đã thêm 4 đến 5 đoạn dừng ngắn – điều này đem lại tỉ lệ thành công cao hơn. Nói quá nhanh sẽ bị coi là 1 hành vi đáng ngờ! Nói quá chậm lại khiến người khác cảm thấy bạn đang tỏ vẻ thông thái hay ít thông minh hơn. Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, sự năng nổ và nhiệt huyết có thể gây khó chịu trong nhiều trường hợp.

7. Nhận thức được giá trị của sự linh hoạt

Nếu bạn đang cố thuyết phục ai đó làm điều gì, thuyết phục ai đó nghĩ giống bạn hay tin vào bạn, bạn nên nhận ra những lợi ích to lớn mà sự linh hoạt có thể đem lại. Chúng ta có thể học hỏi từ những đứa trẻ – một độ tuổi có thể tận dụng đa dạng các hành vi ứng xử để giúp chúng có được thứ chúng muốn. Chúng có thể sử dụng một loạt các hành vi thông thường như khóc, hờn dỗi, mặc cả, xin xỏ và thậm chí lấy lòng bạn trước khi bạn “đầu hàng” và đưa cho chúng thứ mà chúng khao khát. Các bậc cha mẹ luôn nói “không”, một biện pháp khá là vô ích. Bài học chúng ta có thể học được từ điều này đó là chúng ta cần một hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong cách chúng ta ứng xử khi thuyết phục một ai đó. Một thái độ luôn sẵn sàng tiếp thu cái mới không một chút máy móc sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.

Nguồn: ybox

Chủ đề liên quan
Xem thêm
Back to top button
Close