Nhiếp ảnhNhiếp ảnh thương mại

Người mới chụp ảnh nội thất cần mua gì? (Phần 2)

Đây chính là cái phần 5-10 triệu để dành ra để bạn có thể sắm sửa ít đồ chơi thêm. Nếu sắm sửa đầy đủ đồ chơi như mình liệt kê thì sẽ hơi đắt hơn đấy.

Ở phần này thì mình sẽ cố gắng chia các sự lựa chọn theo từng nhánh riêng để các bạn dễ dàng theo dõi.

  1. Các thiết bị hỗ trợ, phụ kiện gắn thêm tiện dụng.
  2. Live view.
  3. Filter.
  4. Balo và túi đeo. Mình thêm phần này vào vì chụp ảnh nội thất là môn chơi cần phải mang đồ lỉnh kỉnh khá nhiều. Mình cũng cần tư vấn một chút để tránh tình trạng mua ngu như mình hồi đấy.

Bạn nào chưa xem phần 1 thì xem lại bài viết Người mới chụp ảnh nội thất cần mua gì? (Phần 1)

Vẫn là câu nói cũ. Bạn nào giàu thì cứ mua đủ, sẽ có lúc dùng. Còn ít tiền như mình thì hãy xác định mua những cái cơ bản thôi nhé. Ok giờ mình chèn cái hình cắt cảnh tiếp :D

1. Các thiết bị hỗ trợ tiện dụng và ngầu

L-bracket và cage trong chụp ảnh nội thất?

Bạn chỉ cần mua một trong hai loại thôi. Đây là thiết bị gần như là nên có. Nếu bạn muốn thao tác nhanh hơn cũng như chuyên nghiệp hơn khi chơi môn này. Hai thứ này sẽ ảnh hưởng kha khá đến các thứ sau bạn sẽ mua. Mình sẽ nói lên hai điểm chính khác nhau của hai lựa chọn này.

  • L-bracket sẽ giúp bạn thao tác thay đổi trục máy chính xác hơn.
  • Cage giúp bạn gồng gánh nhiều đồ chơi hơn, ngầu hơn. Có thể gắn luôn cả pin rời cho nguyên bộ máy.

L-bracket sử dụng như thế nào?

  • Giúp độ cao máy không đổi khi thay trục.
  • Giúp giữ đúng trọng tâm tripod, khung hình. Không đổi vị trí máy.
  • Thay đổi trục máy nhanh như hình minh họa bên dưới. Nếu không sử dụng L-bracket thì khi thay đổi trục máy, có thể bạn phải canh góc chụp lại từ đầu.
Sử dụng L bracket trong chụp ảnh nội thất

Mình có lời khuyên nếu bạn nào không dùng đến các thiết bị ngoại vi gắn ngoài nhiều thì nên dùng L-bracket rất tiện trong lúc thao tác. Có hai hãng mà mình chú ý khi mua là Smallrig và Stabil.

Smallrig mình thử thì thấy thiết kế công năng không tốt và đẹp bằng Stabil. Nhưng hãng có nhiều đồ chơi hơn. Smallrig là hãng chuyên bán đồ chơi phụ kiện gắn để quay phim.

Stabil làm mình bất ngờ vì đây là hàng của Việt Nam nhưng luôn đứng top trong bảng xếp hạng L-bracket. Thiết kế tốt, nhìn chắc chắn, công năng rất ngầu và tiện dụng, điểm cộng rất lớn của Stabil. Chỉ có điều ngoài L-bracket ra hãng không bán thêm đồ chơi. Đồ chơi bên Smallrig vẫn gắn lên Stabil được nhé. Vì cùng chuẩn ốc vặn.

Nếu dùng Cage thì sao?

Cage chính là cái khung thép để bạn gắn một đống thứ hầm bà lằng lên cái máy ảnh.

Smallrig cage trong chụp ảnh nội thất

Mình đưa cage vào để nếu bạn muốn bộ máy mình nhìn ngầu nhất và đầy đủ công năng nhất thì chọn nó. Cage chính sinh ra là để cho việc quay video. Nhưng bản thân việc chụp nội thất cũng rất cần live view lớn để canh mọi thứ thật đẹp. Nên có thể gắn thêm monitor (màn hình ngoài). Hoặc có thể gắn cả wifi remote, trigger, pin sạc dự phòng ngoài để làm việc cả ngày không cần thay pin…

Nhược điểm của cage vẫn là vẫn phải đổi cả góc chụp nếu bạn cần thay trục máy. Về đống đồ chơi gắn thêm này mình sẽ có một bài về hệ thiết bị mình đang sử dụng. Gắn đủ thứ lên để bạn xem thực tế sẽ như thế nào.

2. Live view trong chụp ảnh nội thất

Như mình đã nói trong bài viết Hướng dẫn chụp ảnh nội thất đẹp. Bạn nên dùng live view khi chụp ảnh nội thất để canh khung hình thẳng, canh các đồ vật nhỏ, kiểm tra hình sau chụp.

Vì màn hình của DSLR đa phần rất nhỏ nên việc nhìn trực quan cũng khó khăn. Mình khuyên bạn nên có một màn hình lớn hơn để dùng. Mình thấy có hai lựa chọn hợp lý nhất là monitor (màn hình ngoài) gắn trực tiếp lên L-bracket, cage, hot-shoe của máy hoặc Ipad gắn ngoài.

Monitor

Ở Việt Nam có một lựa chọn ổn là hãng Feelworld. Với tiêu chí ngon, bổ, rẻ và dễ mua. Monitor có lợi thế là nhẹ nên dễ dàng gắn lên cage hay L-bracket. Bạn nên chọn monitor như sau:

  • Bạn nên mua loại 7 inches.
  • Vì mình có thể sẽ chụp trong những môi trường ngoài, ánh sáng mạnh. Nên mua loại ánh sáng trên 2000 nit.
  • Mua loại không cổng SDI. Tốn tiền hơn cho phần này vô ích. Bạn không dùng đến.
  • Nếu được hãy mua thêm hood (màn che) hoặc mua loại có hood sẵn.

Đây là cái màn hình mình gợi ý cho bạn. FeelWorld 7″ 4K Ultra-Bright Monitor. Giá khoảng 5.000.000

FeelWorld 7" 4K Ultra-Bright Monitor

Ipad

Mình thích lựa chọn này hơn nhưng cũng sẽ tốn kém hơn nhiều. Ưu điểm của nó dĩ nhiên là kích thước màn hình lớn. Nếu không thì bạn chọn ipad 7,9 inches cũng được. Dùng làm màn hình lẫn đồ chơi.

Nếu bạn dùng DSLR cho phép điều khiển bằng wifi thì cũng ổn. Mình cũng hay dùng, nhưng bất tiện là hình sau khi chụp rất nhỏ, và kết nối sẽ thường không ổn định. Ngay cả dòng máy mình dùng là D850 vẫn thế.

Nếu muốn ổn hơn thì bạn nên chọn Camfi Pro Plus. Đây là thiết bị cho phép bạn điều khiển máy ảnh không dây thông qua live view rất mượt mà. Kiểm tra hình sau khi chụp rất nhanh. Quan trọng nhất là Camfi có chế độ chụp bracketing để các bạn hậu kỳ ảnh HDR sau này. Giá của thiết bị này về VN trong khoảng 5.500.000.

Mình cũng đã so sánh các hãng tether. Camfi sẽ là phương pháp tối ưu nhất về công nghệ lẫn giá tiền. Mình không dùng dây cáp để tether vì bản thân việc chụp nội thất phải đi lại nhiều nên khó dùng dây. (Tether là cách gọi việc điều khiển máy ảnh thông qua một thiết bị thứ ba).

Để gắn được ipad lên chân máy (tripod). Bạn sẽ cần ipad holder (khay đỡ ipad), arm (tay nối), và clamp (kẹp). Hoặc tripod của bạn có ngàm Easy Link để vặn được arm thì bạn sẽ không tốn tiền mua clamp.

  • Khay để ipad thì mình không dám mua đồ nhựa ở Shopee nên mình chọn Khay Skier cho laptop/ipad. Giá 1.500.000. Giá khá cao nhưng để cái ipad hơn cả chục triệu thì mình yên tâm hơn mấy loại vài trăm nghìn.
  • Arm (tay nối) thì mình chọn Kupo Max Arm. Giá 1.500.000. Giá khá cao nhưng tải đến 4kg, xứng đáng đảm bảo an toàn cho ipad 11 inches.
  • Clamp (kẹp) thì mình chọn Victory super clamp. Giống hệt như hãng Kupo nhưng giá rẻ hơn, khoảng 350.000

Tổng tốn kém cỡ 9.000.000 chưa tính tiền ipad. Nhưng với màn hình lớn và đẹp như ipad mình đảm bảo nhìn rất là chuyên nghiệp.

Minh hoạ ipad holder, arm, clamp gắn lên tripod

3. Filter trong chụp ảnh nội thất

Polarizer Filter (kính lọc phân cực) có 2 loại là phân cực tuyến tính (linear polarizer filter) và phân cực xoay vòng (circular polarizer filter – viết tắt là CPL). Dùng Polarizer Filter sẽ giúp hình ảnh tránh được phản chiếu, làm cho trời trong hơn, lá cây không bị chói sáng…

Phần này chắc mình chỉ nói đơn giản thôi. Bạn nên dùng linear polarizer filter (kính lọc phân cực tuyến tính). Vì Filter CPL ít có tác dụng đối với lens wide và super wide (<20mm). Đây chỉ là lựa chọn thêm vì với mình một bộ gồm holder (giá đỡ) và kính (kích cỡ 150mm) giá cũng khoảng 10.000.000 một bộ (hàng giá rẻ). Thông thường đây sẽ là thứ cuối cùng mình sẽ nâng cấp. Số tiền bỏ ra quá lớn nhưng ảnh hưởng đến ảnh chỉ một phần nhỏ.

Những filter khác mình sẽ không bàn tới vì sẽ lạm bàn sang chụp ảnh phong cảnh. Trong phần chụp ảnh nội thất mình chỉ cần loại filter này là đủ dùng trong hầu hết các trường hợp rồi. Mình để link mua hàng trong hình luôn nhé. Đây là nơi bán hàng VN chất lượng mà giá khá mềm so với thế giới.

Filter và holder cho chụp ảnh nội thất

4. Chuyện túi với balo?

Mình có vài lời khuyên nhỏ để các bạn tránh được cái sự mua sắm ngu của mình.

Mình biết là túi đeo chéo sẽ rất đẹp và có vẻ tiện dụng. Nhưng mình thật sự khuyên bạn hãy mua túi đeo chéo nếu bạn dùng máy microless nhỏ gọn. Và đừng mua túi kích thước lớn hơn 10L.

Ngày xưa mình từng mua một cái túi đeo chéo Thinktank 30L. Kết quả là suýt trật cả vai sau vài tháng cắn răng xài. Đừng đánh đổi sức khoẻ đôi vai vì một dạng túi như thế.

Về túi đeo chéo. Cái mình ưng ý nhất là Peak Design Sling 10L. Nhỏ gọn đáp ứng được mọi thứ mình cần. Và trọng lượng hợp lý cho vai.

Túi Peak Design cho chụp ảnh nội thất

Hãy dùng balo 20, 30L nếu bạn dùng DSLR. Hoặc bạn nghĩ bạn sẽ cần thêm không gian, chứa được nhiều thiết bị. Dễ dàng di chuyển và mang vác. Và có nhiều loại balo tích hợp nhiều phụ kiện đi kèm.

Cái balo mình cảm thấy ưng ý nhất tới thời điểm này là LowePro Protactic 450 AW II. Balo nhìn rất chuyên nghiệp kiểu quân đội. Thiết kế đẹp, công năng tốt, khoang chứa đồ rộng rãi, dễ thao tác đóng mở từ bốn hướng trên dưới trái phải. balo còn có những tính năng độc đáo như: ActiveZone, SlipLock, AW (All weather)… và kèm nhiều phụ kiện.

Bạn có thể tìm kiếm thêm đánh giá balo từ các trang web nước ngoài để xem. Vì balo này đang thuộc hàng best seller trên các trang bán đồ trong giới nhiếp ảnh.

Balo LowePro Protactic 450 AW II

Vậy là đã xong hai bài viết hướng dẫn mua sắm cơ bản để bạn bắt đầu chụp ảnh nội thất chỉnh chu. Và cũng gần như xong 80% những gì bạn cần phải đầu tư. Mong bạn có nhiều ảnh đẹp hơn nữa.

Nguồn: Valor Huynh

Xem thêm
Back to top button