Nhiếp ảnhNhiếp ảnh du lịchNhiếp ảnh thương mại

Khẩu độ f/4: Chụp chân dung với chi tiết môi trường

Đối với nhiều loại chân dung, người ta muốn có hiệu ứng bokeh hậu cảnh mạnh, mượt mà vì nó đơn giản hóa hậu cảnh và làm cho đối tượng nổi bật. Tuy nhiên, có các loại ảnh chân dung nhất định trong đó bạn muốn giữ lại chi tiết của địa điểm chụp nhiều hơn. Đây là lý do tại sao f/4 lại là một sự hướng dẫn hiệu quả trong những tình huống như thế.

Khi chi tiết bối cảnh của địa điểm cũng quan trọng như đối tượng chân dung

Có thể là bạn đang có một kỳ nghỉ trong mơ với người thân yêu và muốn giữ gìn nét mặt vui vẻ của họ với hậu cảnh là cảnh quan ở điểm đến. Hoặc có thể là bạn đang muốn chụp một tấm ảnh chân dung môi trường, một phong cách ảnh chân dung tìm cách chụp một người ở một địa điểm quan trọng đối với công việc, lối sống, hoặc cá tính của họ.

Trong những tình huống này, việc làm cho đối tượng nổi bật là quan trọng, nhưng việc quan trọng không kém là giữ lại các chi tiết cho người xem biết thông tin về địa điểm chụp, cũng như bất kỳ thứ gì khác ở hậu cảnh giúp kể câu chuyện hay hơn. Nếu hiệu ứng bokeh quá mạnh, những chi tiết bối cảnh như thế có thể bị nhòe đến mức không thể nhận ra. Nhưng nếu hiệu ứng bokeh hậu cảnh quá yếu, hậu cảnh có thể làm cho người xem giảm chú ý đến đối tượng.

Để đảm bảo sự hài hòa giữa hậu cảnh và đối tượng, hãy thử sử dụng một khẩu độ rộng vừa phải chẳng hạn như f/4.

Chuyện gì xảy ra khi bạn sử dụng một khẩu độ quá hẹp?

Ở f/8

Chân dung một phụ nữ bên ngoài ngôi nhà
f/8/ 1/125 giây/ ISO 800

Hậu cảnh được chụp quá rõ, làm cho kết quả có vẻ hơi phẳng. Đối tượng chân dung không nổi bật.

Ở f/4

Chân dung một phụ nữ bên ngoài ngôi nhà, với hiệu ứng bokeh mạnh hơn
f/4/ 1/100 giây/ ISO 800

Với mức bokeh vừa phải ở hậu cảnh, các chi tiết bối cảnh được giữ lại mặc dù chúng ta vẫn chú ý đến đối tượng và nụ cười đáng yêu của cô ấy.

Nắm thông tin này: Khoảng cách giữa đối tượng và hậu cảnh cũng quan trọng!

Số f chỉ là một trong 4 yếu tố ảnh hưởng đến mức bokeh hậu cảnh. Các yếu tố hậu cảnh cách xa đối tượng hơn sẽ có hiệu ứng bokeh mạnh hơn so với các yếu tố ở gần hơn, tất cả các yếu tố khác vẫn không đổi. f/4 chỉ là một quy tắc căn bản để bắt đầu, do đó hãy thoải mái điều chỉnh thiết lập khẩu độ của bạn theo đó.

Kỹ thuật bổ sung: Biết nên sử dụng ống kính nào

Các nhiếp ảnh gia chụp chân dung chuyên nghiệp có xu hướng sử dụng độ dài tiêu cự tele tầm trung (độ dài tiêu cự tương đương full-frame: 80 đến 100mm) vì nó đảm bảo mức méo ít nhất và không yêu cầu bạn phải đến quá gần đối tượng. Chúng tôi khuyên dùng một độ dài tiêu cự tương đương full-frame là 80 đến 90mm để có kết quả tốt nhất.

Nếu bạn đang sử dụng máy ảnh định dạng APS-C, hệ số crop định dạng APS-C 1,6x có nghĩa là độ dài tiêu cự được cho biết trong tên ống kính của bạn sẽ nằm trong khoảng từ 50 đến 55mm. Bạn có một số lựa chọn, chẳng hạn như:

  • Một ống kính zoom tiêu chuẩn (chẳng hạn như EF-S18-55mm f/3.5-5.6 IS STM, đây là một ống kính theo bộ phổ biến của máy ảnh DSLR)
  • Một trong những ống kính một tiêu cự EF50mm “trong nhóm 50” (chẳng hạn như EF50mm f/1.8 STM)
  • Một ống kính zoom tele (chẳng hạn như EF-S55-250mm f/4-5.6 IS STM)

Không phải lựa chọn nào cũng như nhau, nhất là khi chúng gồm có các ống kính zoom khẩu độ khả biến.  Ở những ống kính như thế, khẩu độ tối đa mà bạn có thể sử dụng luôn là rộng nhất ở đầu góc rộng và hẹp nhất ở đầu tele.

Ví dụ:

  • Trên ống kính EF-S18-55mm f/3.5-5.6 IS STM, ở 55mm, khẩu độ tối đa là f/5.6
  • Trên ống kính EF-S55-250mm f/4-5.6 IS STM, ở 55mm, khẩu độ tối đa là f/4

Như các ảnh bên dưới cho thấy, f/5.6 chỉ hẹp hơn 1 f-stop so với f/4 nhưng kết quả khá khác biệt.

55mm (tương đương full-frame 88mm) ở f/5.6

Chân dung một phụ nữ chụp ở f/5.6
FL: 55mm (tương đương 88mm)/ Aperture-priority AE (f/5.6, 1/60 giây)/ ISO 400/ WB: Auto

Được chụp ở đầu tele của ống kính EF-S18-55mm f/3.5-5.6 IS STM.

55mm (tương đương full-frame 88mm) ở f/4

FL: 55mm (tương đương 88mm)/ Aperture-priority AE (f/4, 1/125 giây)/ ISO 400/ WB: Autoc

Được chụp ở đầu góc rộng của ống kính EF-S55-250mm f/4-5.6 IS STM.

Sau đây là cận cảnh hậu cảnh. Hãy để ý hiệu ứng bokeh trong ví dụ f/4 mạnh hơn thế nào mặc dù cả hai ảnh được chụp ở cùng độ dài tiêu cự.

Bài học: Trên một máy ảnh định dạng APS-C, hãy chọn ống kính EF-S55-250mm f/4-5.6 IS STM hoặc ống kính EF50mm để có lựa chọn sử dụng khẩu độ lớn hơn ở 55mm.

Bạn không chắc thay đổi thiết lập khẩu độ như thế nào? Nhấp vào đây để biết các hướng dẫn từng bước.

Tham khảo: Snapshot.canon-asia

Chủ đề liên quan
Xem thêm
Back to top button
Close