Nhiếp ảnhNhiếp ảnh du lịchNhiếp ảnh thương mại

Những điểm cơ bản về ống kính #2: Ống kính một tiêu cự

Ống kính một tiêu cự, đôi khi cũng được gọi là ống kính có độ dài tiêu cự cố định, rất phù hợ để tạo ra hiệu ứng bokeh cũng như chụp ảnh với mức rung máy tối thiểu. Chúng ta hãy khám phá những tính năng độc đáo của loại ống kính này, và xem khẩu độ tối đa rất lớn của chúng có thể có lợi gì cho ảnh.

Điểm hấp dẫn lớn nhất của ống kính một tiêu cự: Hiệu ứng bokeh dễ dàng có được

Lợi ích:
– Khẩu độ tối đa lớn, rất phù hợp để tạo ra hiệu ứng bokeh
– Cho phép bạn sử dụng tốc độ cửa trập cao hơn ở điều kiện thiếu sáng, giúp tránh rung máy
– Có xu hướng nhỏ, nhẹ và do đó có khả năng lưu động cao

Nhược điểm
– Phải thay ống kính thường xuyên để có được những độ dài tiêu cự khác nhau
– Không thể zoom để điều chỉnh góc xem

Ống kính một tiêu cự cũng được gọi là ống kính tiêu cự đơn hay ống kính có tiêu cự cố định. Như tên gọi cho thấy, chúng chỉ có một độ dài tiêu cự, do đó không thể phóng to hay thu nhỏ để thay đổi góc xem. Tuy nhiên, chúng cũng có xu hướng sáng và có khẩu độ tối đa rất lớn (số f nhỏ), giúp dễ tạo ra hiệu ứng bokeh ở hậu cảnh. Chúng cũng cho phép bạn có được tốc độ cửa trập nhanh hơn khi bạn chụp ở điều kiện thiếu sáng, do đó bạn có thể có được ảnh rõ nét mà không phải sử dụng độ nhạy sáng ISO cao và ảnh có nguy cơ bị nhiễu để tránh rung máy.

Mối quan hệ giữa khẩu độ, tốc độ cửa trập và độ nhạy sáng ISO là gì? Sau đây là sự tóm tắt:
Những điểm cơ bản về máy ảnh #3: Phơi sáng

So với ống kính zoom, ống kính một tiêu cự có kết cấu ống kính đơn giản hơn, đây cũng là lý do tại sao chúng thường nhỏ hơnnhẹ hơn và có khả năng lưu động cao hơn. Đây là một đặc điểm nữa để phân biệt chúng với ống kính zoom. Tuy nhiên, có một độ dài tiêu cự cố định, đối với các cảnh và đối tượng nhất định, bạn phải mang theo một số ống kính và thay đổi ống kính thường xuyên để có được tấm ảnh mong muốn. Vì điều này cũng có nghĩa là bạn phải dựa vào khả năng của chính mình để lập bố cục ảnh, bạn cũng có thể nói rằng sử dụng ống kính một tiêu cự giúp bạn cải thiện kỹ năng chụp ảnh.

Khái niệm chính (1): Các loại ống kính một tiêu cự

Có 4 loại ống kính một tiêu cự chính. Loại đầu tiên gồm có ống kính góc cực rộng (độ dài tiêu cự ngắn hơn 24mm ở mức tương đương phim 35mm) và ống kính góc rộng, có thể chụp được khu vực rộng của cảnh. Loại thứ hai gồm có ống kính tiêu chuẩn (tương đương 50mm) và ống kính tele tầm trung (tương đương 85mm; cũng được gọi là ‘ống kính chân dung’ vì chúng thường được sử dụng để chụp chân dung), có thể chụp một góc xem gần với góc xem của mắt người. Ống kính tele và ống kính siêu tele, có thể chụp cận cảnh các đối tượng ở xa, tạo thành loại thứ ba. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là ống kính macro, có thể chụp cận cảnh các đối tượng nhỏ từ một khoảng cách chụp gần.

Số 1-3: EF14mm f/2.8L II USM (góc cực rộng), EF24mm f/2.8 IS USM (góc rộng), EF-M22mm f/2 STM (góc rộng)

Ống kính góc cực rộng và 2 ống kính góc rộng
(1) EF14mm f/2.8L II USM
(2) EF24mm f/2.8 IS USM
(3) EF-M22mm f/2.0 STM

Số 4-6: EF-S24mm f/2.8 STM (tiêu chuẩn), EF50mm f/1.4 USM (tiêu chuẩn), EF85mm f/1.8 USM (tele tầm trung)

2 ống kính tiêu chuẩn và 1 ống kính tele tầm trung
(4) EF-S24mm f/2.8 STM
(5) EF50mm f/1.4 USM
(6) EF85mm f/1.8 USM

Số 7 & 8: EF300mm f/4L IS USM (tele), EF600mm f/4LIS II USM (siêu tele)

1 ống kính tele và 1 ống kính siêu tele
(7) EF300mm f/4L IS USM
(8) EF600mm f/4L IS II USM

Số 9-11 (ống kính macro): EF-M28mm f/3.5 Macro IS STM, EF-S35mm f/2.8 Macro IS STM, EF100mm f/2.8L Macro IS USM

Ống kính macro
(9) EF-M28mm f/3.5 Macro IS STM
(10) EF-S35mm f/2.8 Macro IS STM
(11) EF100mm f/2.8L Macro IS USM

Khái niệm chính (2): Ống kính một tiêu cự, ống kính zoom và sự khác biệt về hiệu ứng bokeh

Ống kính một tiêu cự có xu hướng hiệu quả hơn khi chụp ảnh có bokeh so với ống kính zoom thông thường ở cùng độ dài tiêu cự. Các ví dụ bên dưới được chụp ở 50mm. Khẩu độ tối đa khả dụng trên ống kính một tiêu cự là f/1.4, trong khi của ống kính zoom (ở độ dài tiêu cự này) là f/5. Lưu ý sự khác biệt này ảnh hưởng thế nào đến kích thước của vùng mất nét trong hiệu ứng bokeh.

EF50mm f/1.4 USM

Chụp bằng ống kính EF50mm f/1.4 USM, f/1.4
EOS 5D Mark III/ EF50mm f/1.4 USM/ FL: 50mm/ Aperture-priority AE (f/1.4, 1/1250 giây, EV±0)/ ISO 100/ WB: Manual

EF24-105mm f/3.5-5.6 IS STM

Chụp bằng ống kính EF24-105mm f/3.5-5.6 IS STM ở 50mm, f/5
EOS 5D Mark III/ EF24-105mm f/3.5-5.6 IS STM/ FL: 50mm/ Aperture-priority AE (f/5, 1/125 giây, EV±0)/ ISO 100/ WB: Manual

Khái niệm chính (3): Dải f có thể chọn

Ống kính một tiêu cự, nhất là những ống kính có khẩu độ tối đa lớn, cung cấp dải f khả dụng rộng hơn so với ống kính zoom có khẩu độ khả biến được cài đặt ở cùng độ dài tiêu cự. Ví dụ, khẩu độ tối đa của ống kính EF24-105mm f/3.5-5.6 IS STM ở 50mm là f/5, nhưng trên EF50mm f/1.4 USM, bạn có thể sử dụng f/1.4, là khẩu độ tối đa của nó. Việc có dải f rộng hơn để chọn mang lại cho bạn nhiều lựa chọn hơn trong biểu đạt nghệ thuật.

Sự khác biệt về tầm cài đặt khẩu độ khả dụng ở 50mm (EF50mm f/1.4 USM so với EF24-105mm f/3.5-5.6 IS STM)

Khái niệm chính (4): Lấy nét

Khi bạn sử dụng ống kính một tiêu cự ở khẩu độ tối đa của nó, độ sâu trường ảnh sẽ nông (có nghĩa là vùng đúng nét trở nên rất hẹp), và điều này làm cho khó lấy nét ở khu vực bạn muốn. Có thể sễ có ích khi thử chụp nhiều lần, mỗi lần với một tiêu điểm hơi khác một chút. Bạn cũng nên tự làm quen với các cách khác nhau để có được tiêu điểm chính xác, chẳng hạn như mở rộng điểm AF khi chụp ở chế độ Live View hoặc các cách tinh chỉnh tiêu điểm bằng lấy nét thủ công (MF).

Để biết thêm thông tin về độ sâu trường ảnh, hãy nhấp vào bên dưới: 
Những điểm cơ bản về máy ảnh #1: Khẩu độ

Ảnh cận cảnh, chụp bằng ống kính EF50mm f/1.4 USM ở f/1.4
EOS 5D Mark III/ EF50mm f/1.4 USM/ FL: 50mm/ Aperture-priority AE (f/1.4, 1/50 giây, EV±0)/ ISO 100/ WB: Auto

Khi bạn phóng to một đối tượng có kích thước nhỏ, độ sâu trường ảnh trở nên rất nông, và tiêu điểm của bạn cũng sẽ phải thật chính xác. MF có thể là một lựa chọn rất hiệu quả tùy vào cảnh.

Tham khảo: Snapshot.canon-asia

Chủ đề liên quan
Xem thêm
Back to top button
Close